14/08/2023
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Lượt xem: 102
Cách đây 62 năm, ngày 10-8-1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở Việt Nam. Cho đến nay, đây vẫn là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Do đó, ngày 10-8 hằng năm đã trở thành Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Cuộc sống sinh hoạt khó khăn, vất vả của chị Lâm – người bị di chứng da cam trú tại khối Sơn Cường, phường Quang Phong.
Chị Nguyễn Thị Lâm, khối Sơn Cường, phường Quang Phong năm nay gần 50 tuổi. Chị là con gái của ông Nguyễn Văn Chạy – một người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và nay đã qua đời. Di chứng da cam khiến cuộc sống của chị Lâm chỉ quanh quẩn bên chiếc ghế gỗ cùng người mẹ già. Nhằm góp phần giúp mẹ con chị vơi bớt khó khăn, năm 2016 Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã Thái Hòa hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm để xây dựng ngôi nhà cấp 4 kiên cố. Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Hạng, mẹ chị Lâm chia sẻ: “ Hoàn cảnh của 2 mẹ con chúng tôi rất khó khăn, cháu thì bệnh tật và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Mẹ con tôi rất vui mừng vì luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của các cấp lãnh đạo, của tổ chức Hội nạn nhân chất độc da cam. Mẹ con tôi cũng nhờ đó mà đỡ khó khăn hơn”.
Tại thị xã Thái Hòa có 98 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc DC và 76 người là con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học này. Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với nạn nhân da cam; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động xã hội nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái”; tích cực vận động quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh; trao học bổng cho con cháu nạn nhân…Qua đó tạo điểm tựa để các nạn nhân da cam ổn định cuộc sống. Nói về điều này, ông Cao Viết Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC Thái Hòa cho hay: “Những sự quan tâm mà cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân dành cho các nạn nhân CDDC thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Là hội thường trực thì chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ nhiều nhất có thể cho các nạn nhân. Trong những năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 20 căn nhà cho các nạn nhân. Ngoài ra, hoạt động thăm hỏi khi ốm đau, hoạt động tri ân cũng được chúng tôi rất chú trọng, góp phần xoa dịu nội đau, sự mất mát cho các nạn nhân”.
Ngôi nhà cấp 4 kiên cố của mẹ con chị Lâm được hỗ trợ xây dựng từ năm 2016
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nó vẫn tồn tại đến bây giờ dưới cái tên “Nỗi đau chất độc da cam”. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta xác định công cuộc khắc phục hậu quả do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy đảng chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Kỷ niệm 62 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 là dịp để khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam. Cổ vũ, lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống.
T/h: Hải Yến - Hoàng Long