"Hát Cuối" của đồng bào dân tộc Thổ tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An là một nét văn hóa độc đáo, xuất hiện trong các dịp lễ hội quan trọng như Tết Nguyên đán, lễ xuống đồng, lễ cúng cơm, lễ mừng nhà mới… Không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa, "Hát Cuối" còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là cầu nối giữa con người với thần linh và tổ tiên.
"Hát Cuối" –
Dòng chảy văn hóa kết nối quá khứ
Tiếng cồng, tiếng chiêng
trong "Hát Cuối" được đồng bào dân tộc Thổ xem như vật thiêng, là sợi
dây kết nối thế giới thực tại và tâm linh.
Với niềm tin này, từ bao
đời nay, người Thổ luôn gìn giữ, trân trọng và say mê thanh âm từ những chiếc cồng,
chiếc chiêng. Khi âm thanh này vang lên, người nghe như hòa mình vào không gian
thiêng liêng, nơi chỉ có niềm vui, sự lạc quan và tinh thần gắn kết cộng đồng.
Các thành viên tham gia biểu diễn làn điệu hát cuối, đánh cồng chiêng
Nhằm bảo tồn giá trị văn
hóa này, năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa đã
thành lập mô hình "Hát Cuối" tại khối Lam Sơn.
Đây là mô hình đầu tiên tại
thị xã, quy tụ 16 thành viên với mong muốn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những
làn điệu truyền thống quý báu.
Tại khối Lam Sơn, phường
Quang Tiến, "Hát Cuối" là một phần không thể thiếu trong đời sống văn
hóa, tâm linh của bà con dân tộc Thổ. Đặc biệt, tiếng cồng chiêng không chỉ đơn
thuần là nhạc cụ mà còn là biểu tượng của sự kết nối cộng đồng.
Lễ ra mắt CLB Hát cuối tại khối Lam Sơn, phường Quang Tiến
Ông Phạm Đức Nhị, một nghệ
nhân đánh cồng của khối Lam Sơn, chia sẻ: "Tôi tự hào là người dân tộc Thổ
và âm thanh tiếng cồng chiêng là thứ âm thanh mà chúng tôi yêu quý nhất.
Khi tiếng cồng, tiếng
chiêng vang lên, tôi cảm thấy cuộc sống trở nên vui tươi hơn. Tôi mong muốn thế
hệ trẻ sẽ tiếp tục duy trì và phát huy nét văn hóa đặc sắc này của dân tộc."
Mô hình "Hát Cuối"
– Cầu nối giữa truyền thống và hiện đại
Mô hình "Hát Cuối"
tại khối Lam Sơn được tổ chức bài bản với sự chỉ đạo của Ban cán sự Chi hội Phụ
nữ khối và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Tiến.
Các thành viên tham gia
trên tinh thần tự nguyện, thường xuyên luyện tập, sinh hoạt định kỳ để nâng cao
kỹ năng biểu diễn và trao đổi kinh nghiệm.
Đặc biệt, vào các dịp lễ,
Tết, ngày hội của khối hay địa phương, các thành viên sẽ biểu diễn giao lưu nhằm
lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.
Bà Lê Thị Mai Hương – Chủ
tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa cho biết: "Nhận
thấy 'Hát Cuối' là nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc Thổ, chúng tôi đã
thành lập mô hình này với mong muốn cùng nhau luyện tập, duy trì và phát triển.
Sắp tới, Hội sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động để các thành viên có cơ hội biểu
diễn trong các sự kiện văn hóa quan trọng của địa phương."
Khối Lam Sơn, phường
Quang Tiến có 230 hộ với 994 nhân khẩu, trong đó bà con dân tộc Thổ chiếm 97%.
Việc duy trì và phát triển văn hóa cồng chiêng, "Hát Cuối" cùng các
trò chơi dân gian luôn được cộng đồng quan tâm. "Hát Cuối" thường được
xem như lời mở đầu trong các màn biểu diễn cồng chiêng, tạo nên không gian nghệ
thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Lê Đình Nhưỡng – Bí
thư Chi bộ khối Lam Sơn, khẳng định: "Duy trì văn hóa truyền thống của đồng
bào dân tộc Thổ luôn là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
Hàng năm, chúng tôi tổ chức
nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm giữ gìn bản
sắc văn hóa dân tộc. Việc thành lập câu lạc bộ 'Hát Cuối' chính là giải pháp
thiết thực giúp duy trì, nhân rộng nét đẹp này."
Nét văn hóa đặc sắc Hát cuối, đánh cồng chiêng của đồng bào dân tộc thổ tại phường Quang Tiến thường được tổ chức vào các dịp Lễ, tết..
Không chỉ dừng lại ở
Quang Tiến, hiện nay mô hình "Hát Cuối" đã được duy trì tại nhiều địa
phương khác như xã Nghĩa Tiến, Nghĩa Mỹ, Long Sơn… Nhờ đó, làn điệu "Hát
Cuối" ngày càng được nhiều thế hệ biết đến và trân trọng hơn, trở thành một
phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thổ.
Nếu có dịp đến với thị xã
Thái Hòa, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào
dân tộc Thổ. Âm thanh trầm bổng của cồng chiêng hòa quyện cùng những làn điệu
"Hát Cuối" tạo nên một bức tranh văn hóa sống động, đậm chất truyền
thống. Những đạo cụ biểu diễn cùng các điệu múa uyển chuyển làm cho mỗi tiết mục
trở thành một nghi lễ thiêng liêng và đáng nhớ.
Việc bảo tồn "Hát Cuối"
không chỉ giúp đồng bào dân tộc Thổ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn góp phần
phát triển du lịch địa phương. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay của
chính quyền, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là cộng đồng dân tộc Thổ.
"Hát Cuối"
không chỉ là di sản văn hóa mà còn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thổ tại
thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Những thanh âm cồng chiêng, những làn điệu truyền
thống không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng mà còn góp phần lưu giữ hồn
cốt dân tộc.
Việc thành lập và duy trì
mô hình "Hát Cuối" là bước đi quan trọng trong công tác bảo tồn văn
hóa dân tộc, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch văn hóa cho địa phương.
Hy vọng rằng trong tương
lai, các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển "Hát Cuối", để
âm thanh thiêng liêng ấy mãi vang vọng, trở thành minh chứng cho sự trường tồn
của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thu Trang - Quang Huy