(Baonghean) - Tháng Năm về, mỗi người dân của đô thị Thái Hòa đều mang một cảm thức đặc biệt, đánh dấu tròn 9 năm từ một thị trấn huyện lỵ nhỏ bé chính thức “ra riêng” trở thành thị xã trẻ bên dòng sông Hiếu.
So với nhiều đô thị khác, thủ phủ cao nguyên Phủ Quỳ có bề dày thời gian chưa nhiều nhưng đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của đô thị “trẻ mà không trẻ” này.
Một ngày cuối tháng Tư, những câu hát của ca khúc Thái Hòa yêu thương: “Mời anh về quê em nơi miền tây xứ Nghệ/Đất đỏ Phủ Quỳ được đón Bác về thăm/ Trên khắp quê em mùa cam trĩu quả/ Bạt ngàn cao su dâng nhựa trắng cho đời…” được bác tài chuyến xe khách ngược về miền Tây bật lên càng cuốn hút chúng tôi, dẫu đã biết bao lần ngược xuôi trên tuyến Quốc lộ 48 về với mảnh đất bên dòng sông Hiếu.
Tác giả ca khúc này hẳn là người rất yêu, rất hiểu Thái Hòa hôm nay mà cả quá khứ hình thành và phát triển gắn với mảnh đất Phủ Quỳ bao la, khoáng đạt.
Trung tâm thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy
Nhiều lần ngược xuôi, có lần tôi may mắn được gặp ông Lê Hồng Thắng, là thế hệ thứ 2 của những người di dân đến sinh cơ, lập nghiệp rồi gắn bó với mảnh đất Thái Hòa.
Câu chuyện của người cha là thợ may gốc thị xã Vinh và mẹ người gốc Hưng Yên đã dần ngấm vào trong ông từ thuở nào tình yêu da diết với mảnh đất, con người và cả lịch sử nơi đây.
Ông Thắng bảo, Thái Hòa xưa là trung tâm của đồn điền cao su, cà phê đầu tiên của người Pháp ở Việt Nam và cũng là quê hương của những thương hiệu cà phê nức tiếng một thời được xuất khẩu như “Arabica du Tonkin”.
Ngay từ năm 1913, cây cà phê đã bén duyên với mảnh đất này và kéo theo đó là những người dân trên khắp cả nước về làm phu đồn điền, các nghề thủ công, dịch vụ… Đô thị Thái Hòa cũng dần hình thành và phát triển hai bên dòng sông Hiếu từ đó.
Nói thế để thấy, Thái Hòa chính thức định danh là một đô thị độc lập quả thực còn trẻ nhưng cái mạch nguồn phố thị trong nó đã có lịch sử hơn cả trăm năm.
Trải qua hơn một thế kỷ, với những thăng trầm của lịch sử, định danh Thái Hòa dần được khẳng định là một trung tâm phố thị giàu bản sắc, nơi hội tụ tinh hoa của mảnh đất Phủ Quỳ.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ đây là thủ phủ trồng cây công nghiệp ở miền Bắc, những người công nhân Trung - Nam - Bắc chung tay sản xuất để xây dựng miền Bắc, là hậu phương chi viện cho miền Nam.
Hòa bình lập lại, nhất là trong hàng chục năm đổi mới vừa qua, Thái Hòa lại phát triển sôi động, là trung tâm dịch vụ, thương mại không chỉ của huyện Nghĩa Đàn mà cho cả vùng Tây Bắc Nghệ An.
Cái áo thị trấn Thái Hòa khoác lúc đó có vẻ như quá chật cho một đô thị năng động, nhất là đặt trong chiến lược phát triển miền Tây. Vậy là cái ngày Thái Hòa “ra riêng” để trở thành một đơn vị hành chính thứ 20 của tỉnh Nghệ An cũng là điều tất yếu.
Ngày 15/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 164 về việc thành lập thị xã Thái Hòa, trên địa phận huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.514 ha, dân số 66.000 người. Thị xã được chia thành 10 xã, phường, trong đó 4 phường nội thị, thị trấn Thái Hòa đổi tên thành phường Hòa Hiếu.
Sau một thời gian chuẩn bị, sáng ngày 10/5/2008 tại huyện Nghĩa Đàn đã diễn ra lễ công bố thành lập thị xã Thái Hòa. Trong 9 năm qua có nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã bên dòng sông Hiếu thực sự đã có nhiều đổi thay.
Thái Hòa là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực về văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thông tin được xếp vào nhóm cao của tỉnh.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được hình thành như chăn nuôi bò sữa liên kết với nhà máy chế biến sữa của Vinamilk đóng trên địa bàn.
Đặc biệt, tính chất đô thị dịch vụ - thương mại ngày càng rõ nét khi ngày càng có nhiều tuyến phố thương mại, các cơ sở dịch vụ được doanh nghiệp và nhân dân đầu tư và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế.
Tính đến hết năm 2016, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt gần 820 tỷ đồng. Công tác đầu tư xây dựng có những chuyển biến tích cực, các dự án được đẩy nhanh tiến độ; giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt gần 893 tỷ đồng.
Thái Hòa đang trở thành điểm đến của những doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Nhà máy may Hi-Tex của Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ; một số doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư khu dịch vụ thương mại tổng hợp ở đường N6 và khu vực phía Nam Bệnh viện Tây Bắc mới…
Đặc biệt nổi bật là giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt hơn 1.518 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 1.530 tỷ đồng.
Doanh thu một số ngành dịch vụ tăng cao như ngành thông tin và truyền thông ước đạt 20 tỷ đồng, dịch vụ kế toán, tư vấn kiến trúc, quảng cáo 26,3 tỷ đồng, hoạt động hành chính, dịch vụ hỗ trợ 15,6 tỷ đồng; vui chơi, giải trí 8,2 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng, ngân hàng có mức tăng trưởng khá, tổng vốn huy động ước đạt 3.519 tỷ đồng. Những bước chuyển đó đưa tổng thu ngân sách của thị xã tăng lên 6 lần so với khi chia tách, đạt hơn 120 tỷ đồng; thu nhập người dân tăng lên, đạt bình quân 31,5 triệu đồng cuối năm 2016.
Phía sau những con số thống kê có vẻ khô khan kia lại phản ánh dòng chảy kinh tế đang chuyển dịch rất sôi động của Thái Hòa.
Thế nhưng với khát vọng, tầm nhìn xây dựng thành đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, dịch vụ, thương mại, văn hóa, xã hội của khu vực Tây Bắc Nghệ An, người Thái Hòa chưa thể hài lòng mà còn phải phát triển mạnh mẽ hơn trên cơ sở đánh giá lại cái được, cái còn hạn chế sau 9 năm “ra riêng”.
Hàng me trăm năm tuổi nằm bên bờ tây của dòng sông Hiếu thuộc phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hoà là "nhân chứng" trong quá trình hình thành đô thị vùng cao nguyên Phủ Quỳ. Ảnh: tư liệu
Bí thư Thị ủy Thái Hòa Lê Tiến Trị chia sẻ: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thái Hòa tập trung hoàn thiện cơ bản các hạ tầng trọng yếu, kết nối hạ tầng giao thông như cầu qua sông Hiếu, các tuyến đường; qua đó hình thành không gian đô thị và thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là các khu đô thị, trung tâm dịch vụ và thương mại, khách sạn của các nhà đầu tư lớn; đồng thời củng cố, phát triển những thành quả đạt được trong những năm qua trên tất cả các lĩnh vực.
Sau 9 năm “ra riêng”, đô thị trên cao nguyên Phủ Quỳ đã có những bước đi vững chắc và rồi đây với tầm nhìn, khát vọng, chiếc áo đô thị “trẻ mà không trẻ” này sẽ càng thêm lấp lánh không chỉ với màu xanh của cao su, sự tinh khiết của những dòng sữa trắng, những mùa cam trĩu quả mà còn thêm đậm chất phố thị lung linh, sầm uất với những con đường, tuyến phố, trung tâm thương mại...
Thành Duy