ĐĂNG NHẬP  
image banner
Từ mạch nguồn truyền thống văn hoá, xây dựng Thị xã Thái Hoà giàu đẹp, văn minh
Lượt xem: 738
Đã hơn 10 năm nay, cứ mỗi độ Xuân về, nhân dân khắp mọi miền lại nô nức về Thái Hoà vui trẩy hội Làng Vạc. Lễ hội Làng Vạc gắn với Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc không những là niềm tự hào của Đảng bộ nhân dân Thị xã Thái Hoà nói riêng, mà là của bà con các dân tộc Phủ Quỳ nói chung.

Đã hơn 10 năm nay, cứ mỗi độ Xuân về, nhân dân khắp mọi miền lại nô nức về Thái Hoà vui trẩy hội Làng Vạc. Lễ hội Làng Vạc gắn với Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc không những là niềm tự hào của Đảng bộ nhân dân Thị xã Thái Hoà nói riêng, mà là của bà con các dân tộc Phủ Quỳ nói chung.


Giá trị to lớn của Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thể hiện ở sau 5 lần khai quật trên diện tích 1.438m2 với 347 ngôi mộ và 1.228 hiện vật với các kết luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh: Làng Vạc là hiện hữu quá khứ còn lại của Trung tâm văn hoá Đông Sơn trên lưu vực sông Cả, là cái nôi của người Việt cổ. Về với Lễ hội Làng Vạc hôm nay, xem lại những hiện vật còn lưu giữ để chiêm nghiệm một nền văn minh ẩn sâu dưới lòng đất, trong mỗi chúng ta rất đỗi tự hào về truyền thống của ông cha ta ngày trước. Chính trên mảnh đất thiêng liêng này, cha ông ta đã sáng tạo ra những công cụ tinh xảo, tổ chức lao động sản xuất, an cư lạc nghiệp. Chúng ta luôn ý thức được phát triển kinh tế phải đi đôi với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá và chính văn hoá sẽ trở thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển kinh tế.


Phát huy những giá trị truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông để lại, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thị xã Thái Hoà đang nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, đồng lòng dốc sức xây dựng Thị xã Thái Hoà sớm trở thành trung tâm kinh tế - xã hội phát triển của vùng Tây Bắc Nghệ An, một thị xã trẻ, năng động phát triển nhanh bên dòng sông Hiếu. Nhờ đó, năm 2012, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung do tình hình suy thoái kinh tế, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xẩy ra trên gia súc, gia cầm… nhưng dưới sự lãnh đạo của BTV Thị uỷ, sự điều hành của UBND thị xã, sự đồng thuận, đoàn kết, phấn đấu của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân nên kinh tế - xã hội Thị xã Thái Hoà vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%; tổng giá trị sản xuất đạt 2.799.300 triệu đồng, đạt 101,1% KH, bằng 123,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất bình quân đầu người 45,5 triệu đồng/năm. Có 26/28 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch; 19/19 chỉ tiêu về văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường đều đạt và vượt kế hoạch.


Thị xã Thái Hòa hôm nay. Ảnh: Sỹ Minh


Nét nổi bật trong năm 2012 vừa qua, Thị xã Thái Hoà đã triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn Thị xã đã phát động thi đua cấp Thị xã với chủ đề “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, nên đã tạo được hiệu ứng sâu rộng, huy động được các nguồn lực cùng phối hợp triển khai thực hiện. Kết quả, đã phóng tuyến, cắm mốc 100% các tuyến đường giao thông nông thôn, mở rộng đường giao thông liên xóm gần 35km, vận động nhân dân hiến hơn 62.915m2 đất, đóng góp hơn 2,6 tỷ đồng và 15.535 ngày công lao động.


Triển khai nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả như: trồng quýt PQ1, bưởi hồng Quang Tiến, nuôi o­ng lấy mật ở Tây Hiếu… Các làng nghề mộc Tân Quyết Thắng và Chế biến lâm sản hoạt động có hiệu quả; triển khai xây dựng một số làng có nghề như: nghề sản xuất miến dong ở Long Sơn, nghề chế biến mật mía ở Quang Phong, du nhập một số nghề mới như nghề sản xuất hương, chế tác đá mỹ nghệ… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho nhân dân.


Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm: đường giao thông vào khu xử lý rác thải, tuyến đường ngang N1, N2, N3, N6; trục chính đê kiêm đường bờ Đông sông Hiếu, đường vào Trung tâm xã Nghĩa Hoà, kè bờ Lâm Viên, sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước, các tuyến điện chiếu sáng đô thị, các trạm y tế, trường học… và một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: đường 3/2, đập Khe Sung, đập Đồng Quằn, đập 26/3, đường trục chính từ dốc Gạo vào dốc bà Mầm… đã góp phần tạo vóc dáng mới, hiện đại của thị xã bên bờ sông Hiếu. Dịch vụ thương mại có bước phát triển tốt từng bước hình thành và khẳng định Thị xã Thái Hòa trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ tài chính vùng Tây Bắc với việc đã khai trương và hoạt động của 6 ngân hàng thương mại, 2 quỹ tín dụng góp phân tích cực điều tiết nguồn vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.


Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng thực hiện tốt. Hoàn thành chi tiết Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Đông Hiếu, Khu Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc gắn với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, quy hoạch chung Khu đô thị Đông Hiếu; bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp nhỏ Nghĩa Thuận, Quang Phong, Tây Hiếu. Đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch Khu bảo tồn Di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái Làng Vạc, Thái Hoà luôn ý thức được trách nhiệm xây dựng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá nên đang từng bước triển khai xây dựng theo Quyết định phê duyệt quy hoạch số 24/QĐ.UBND - CN của UBND tỉnh.


Một số hạng mục đã được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần tạo cảnh quan, phục vụ nhu cầu thăm viếng của nhân dân cũng như nâng tầm khu di tích lịch sử di chi khảo cổ học như: Khu điện thờ chính, điện thờ Bà Quốc mẫu, đập Hòn Sường, đường, điện chiếu sáng vào xã trung tâm Nghĩa Hoà và nơi tổ chức Lễ hội Làng Vạc… Với việc quy hoạch bài bản, từng bước đầu tư các hạng mục, Khu Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc ngày càng trở thành điểm nhấn trên bản đồ Nghệ An: du lịch biển, du lịch văn hoá tâm linh lên với miền Tây Nghệ An kết nối các điểm di tích lịch sử gắn với lễ hội bắt đầu từ vùng biển (gồm: Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Cuông) - Lễ hội Làng Vạc - Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu) - Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong)… Đặc biệt, chính tại Thái Hoà, Lễ hội Làng Vạc gắn với ý nghĩa di tích lịch sử khảo cổ học đã kết nối với Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu và khu lâm viên Bàu Sen, kè bờ Đông, bờ Tây sông Hiếu đang được đầu tư xây dựng, trở thành trục tam giác du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh, dịch vụ, tạo điểm nhấn văn hoá mỗi khi đến với TX Thái Hoà. Cũng từ điểm nhấn này, TX Thái Hoà đang phát huy những lợi thế thị xã trẻ bên bờ sông Hiếu trở thành điểm đến của các nhà đầu tư với kết quả nhiều công ty lớn đã khảo sát, xúc tiến đầu tư vào địa bàn như: Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty CP công nghệ cao quốc tế, Công ty Addcom, công ty TECCO…


Lễ hội làng Vạc Xuân Quý Tỵ 2013 cũng là lần thứ 14 chúng ta tổ chức Lễ hội Làng Vạc nhằm tri ân tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân đã khai mở, khởi nguồn nền văn minh Đông Sơn rực rỡ và lưu giữ, trường tồn, phát triển cho đến ngay nay. Từ động lực truyền thống văn hoá lịch sử đó, Đảng bộ, nhân dân Thị xã Thái Hoà với khí thế, quyết tâm mới vượt qua mọi khó khăn chung của nền kinh tế thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 duy trì, đảm bảo tốc độ tăng trưởng 14-15%. Để thực hiện đạt mục tiêu này cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:


1. Đẩy mạnh thực hiện công tác thu hút đầu tư, đa dạng hoá các hình thức thu hút đầu tư, gắn với khai thác huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, bộ, ngành và của tỉnh để tiếp cận thông tin về các nhà đầu tư.


2. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh như: Làm tốt công tác bồi thường hỗ trợ GPMB và tái định cư; cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, cánh đồng mẫu. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, quan tâm công tác chỉnh trang đô thị. Tạo điều kiện phát triển các dịch vụ tài chính, viễn thông, ngân hàng, quỹ tín dụng, siêu thị, nhà hàng,...


3. Tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách, kiểm soát chi chặt chẽ: Hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế triển khai đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng và khai thác hợp lý nguồn thu. Kiểm soát chi chặt chẽ, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác quản lý tài chính ở các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính ở các đơn vị, kiểm tra năng lực cán bộ và có đánh giá định kỳ cụ thể.


4. Cải tiến công tác chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, quy chế dân chủ cơ sở. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện quy chế dân chủ và cải cách hành chính, đổi mới chỉ đạo, điều hành, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác chỉ đạo, đốc thúc kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực còn yếu, còn chậm, còn trì trệ; nhất là các nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Thị ủy kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4.


5. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường quảng bá hình ảnh thị xã, tạo sự đồng thuận thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Lê Phúc Ân (Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa)

Nguồn: Báo Nghệ An (18/3/2013)

Tin tức
  • Nghệ An phát triển du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement