30/08/2023
“Hát Cuối” nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ tại thị xã Thái Hòa
Lượt xem: 207
Trong nền văn hóa của người đồng bào dân tộc thổ tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An “Hát cuối” được xem như là nét văn hóa đặc trương, mang đậm bản sắc của người dân trong các dịp lễ, tết đầu năm, lễ xuống đồng, lễ cúng cơm, lễ mừng nhà mới… Trong làn điệu “Hát cuối” tiếng cồng, tiếng chiêng được xem như một vật thiêng, là sợi dây kết nối giữa người trần và các đấng thần linh; giữa con cháu ở hiện tại với ông bà tổ tiên.
Toàn cảnh lễ ra mắt mô hình “Hát Cuối” của đồng bào dân tộc Thổ tại khối Lam Sơn
Nhằm duy trì và gìn giữ nét văn hóa đó, Chiều 29/8, Hội LHPN phường Quang Tiến, thị xã Thái hòa, tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành lập ra mắt mô hình “Hát Cuối” của đồng bào dân tộc Thổ tại khối Lam Sơn. Đây là mô hình đầu tiên tại thị xã Thái Hòa với 16 thành viên tham gia.
Lễ ra mắt mô hình “Hát Cuối” của đồng bào dân tộc Thổ tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa
Khối Lam Sơn, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa là khối có 230 hộ với 994 nhân khẩu. Trong đó, bà con đồng bào dân tộc Thổ chiếm 97%. Trong những năm qua, việc duy trì và nhân rộng nét văn hóa cồng chiêng, các làn điệu hát cuối, các trò chơi dân gian…luôn được bà con trong khối chú trọng. Với đồng bào người Thổ ở thị xã Thái Hòa nói chung, khối Lam Sơn nói riêng thì làn điệu hát cuối là nét văn hóa hết sức đặc trưng. Làn điệu Hát cuối được xem như là lời giới thiệu, lời mở đầu trong màn biểu diễn công chiêng. Trong đó cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là sợi dây kết nối giữa người trần và các đấng thần linh; giữa con cháu ở hiện tại với ông bà tổ tiên.
Các thành viên tham gia biểu diễn làn điệu “Hát Cuối” đánh cồng chiêng
Có lẽ bởi niềm tin vào ý nghĩa sâu xa đó mà các thế hệ con cháu người Thổ bao đời nay vẫn luôn gìn giữ và say mê thanh âm từ những chiếc cồng, chiếc chiêng. Tình làng, nghĩa xóm cũng theo đó được thắt chặt. Vào những ngày lễ, tết, các sự kiện của khối hay của địa phương thì những làn điệu Hát cuối hòa lẫn với âm thanh của cồng chiêng là một phần không thể thiếu của người dân. Vì vậy, việc Hội LHPN chọn khối Lam Sơn để thành lập mô hình hát cuối có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào dân tộc Thổ.
Nét văn hóa đặc sắc “Hát cuối” đánh cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thổ thường được biểu diễn tại các lễ hội ở thị xã Thái Hòa
Mô hình hát cuối của đồng bào dân tộc Thổ khối Lam Sơn, phường Quang Tiến được thành lập gồm 13 thành viên. Hoạt động của mô hình chịu sự chỉ đạo của ban cán sự chi hội phụ nữ khối và Hội LHPN phường Quang Tiến. Tất cả các các hội viên tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện. Theo đó, tham gia mô hình, các thành viên sẽ tham gia các trò chơi dân gian, hát cuối, đánh cồng chiêng khi có sự điều động của Ban chủ nhiệm. Định kỳ hàng tháng, quý các thành viên sẽ cùng nhau tập luyện, sinh hoạt định kỳ để trao đổi hoạt động của mô hình, đánh giá và tìm các giải pháp phát triển. Vào các dịp lễ, tết, ngày hội của khối, của địa phương các thành viên sẽ tổ chức giao lưu hát cuối.
T/H: Thu Trang – Quang Huy